Khái niệm đô thị Xã_hội_học_đô_thị

Dưới khía cạnh xã hội học, đô thị và nông thôn là hai khái niệm về mặt nội dung có hàng loạt đặc điểm có tính đối lập nhau. Các nhà xã hội học đã đưa ra rất nhiều cơ sở khác nhau để phân biệt đô thị và nông thôn. Sự phân chia đó có thể dựa trên cơ sở các lĩnh vực hoạt động sống của xã hội như lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, vận tải, dịch vụ,... hoặc dựa trên các thiết chế chủ yếu của xã hội như thiết chế kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, gia đình,... hoặc theo các nhóm, các giai cấp, tầng lớp xã hội, hay theo bình diện lãnh thổ.

Cũng có một số nhà lý luận xã hội học lại cho rằng, để phân biệt giữa đô thị và nông thôn theo sự khác biệt giữa chúng về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Như về mặt kinh tế thì giữa đô thị và nông thôn có sự khác biệt về lao động, nghề nghiệp, mức độ và cách thu nhập về dịch vụ... Về mặt xã hội thì đó là sự khác biệt trong lối sống, giao tiếp, văn hóa, gia đình, mật độ dân số, nhà ở... Về mặt môi trường thì chủ yếu ở đây là môi trường tự nhiên, mức độ ô nhiễm...

Nhấn mạnh từ góc độ xã hội thì cả đô thị và nông thôn đều được coi là những hệ thống xã hội, những cộng đồng xã hội có những đặc trưng riêng biệt như những xã hội nhỏ và trong đó có đầy đủ các yếu tố, các vấn đề xã hội và các thiết chế xã hội. Vì vậy, trước hết đô thị và nông thôn cần được xem xét như một cơ cấu xã hội, trong đó có hàng loạt các yếu tố, các lĩnh vực nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Để xác định đô thị và nông thôn dễ dàng được chấp nhận, là việc coi đô thị và nông thôn như các hệ hệ thống xã hội được phân biệt theo ba đặc trưng cơ bản sau:

  1. Về các nhóm giai cấp, tầng lớp xã hội thì ở đô thị đặc trưng chủ yếu là giai cấp công nhân, ngoài ra còn có các tầng lớp giai cấp khác như tư sản, thợ thủ công, viên chức, trí thức... Còn đối với nông thôn thì đặc trưng chủ yếu ở đây là nông dân, ngoài ra ở từng xã hội còn có các giai cấp, tầng lớp như địa chủ, phú nông, nhóm thợ thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ...
  2. Về lĩnh vực sản xuất chủ yếu ở đô thị có đặc trưng là sản xuất công nghiệp; ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như dịch vụ, thương nghiệp, sản xuất tinh thần... Còn đối với nông thôn thì đặc trưng rõ nét nhất là sản xuất nông nghiệp; ngoài ra, còn phải kể đến cấu trúc phi nông nghiệp bao gồm: dịch vụ, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp mà có vai trò rất lớn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
  3. Về lối sống, văn hóa của từng loại cộng đồng, thì đối với nông thôn thường rất đặc trưng với lối sống văn hóa của cộng đồng làng xã mà được phân biệt rất rõ ràng với lối sống thị dân đặc trưng cho khu vực đô thị. Đặc trưng này có rất nhiều khía cạnh để chỉ ra sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn: từ hệ thống dịch vụ, sự giao tiếp, đời sống tinh thần, phong tục, tập quán, hệ giá trị, chuẩn mực cho hành vi,... đến khía cạnh dân số, lối sống gia đình, sinh hoạt kinh tế,... ngay cả đến hệ thống đường sá, năng lượng, nhà ở đều nói lên đây là hai cộng đồng có các khía cạnh văn hóa, lối sống tách biệt nhau. Đây là đặc trưng cơ bản nhất về mặt xã hội học khi phân tích sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Chính đặc trưng thứ ba đã tạo ra bản sắc riêng, diện mạo riêng cho hai hệ thống xã hội đô thị và nông thôn.

Quá trình đô thị hóa là xu hướng đô thị hóa gia tăng, khu vực nông thôn ngày càng thu hẹp, khu vực đô thị ngày càng mở rộng kéo theo sự tích tụ, tập trung dân cư, mật độ dân số cao, rất nhiều hiện tượng xã hội phức tạp khả năng kiểm soát của xã hội đối với mỗi hành vi của một cá nhân là khăng khít, vì quan hệ xã hội ở đô thị là quan hệ xã hội mang tính chất giao tiếp và đa dạng. Quá trình đô thị hóa làm thay đổi các nguy cơ xã hội, các tệ nạn xã hội. Cơ cấu xã hội ở đô thị là quan hệ mang giao tiếp và đa dạng, phức tạp và đan xen nhau. Đô thị có rất nhiều giai cấp và tầng lớp xã hội. Phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ở đô thị diễn ra rát mạnh mẽ. Ở đô thị có người giàu nhất mà cũng có người nghèo nhất. Lối sống đô thị là lối sống rất phức tạp, vừa có chung của những người ở đô thị, vừa có cái riêng của từng giai cấp xã hội. Lối sống đô thị bao giờ đi trước dẫn dắt lối sống ở nông thôn. Lối sống đô thị nhanh nhạy trong việc tiếp nhận các dòng văn hóa khác nhau.